Giữ chân nhân viên chủ chốt là quyết định dẫn đến thành công về lâu dài cho doanh nghiệp. Làm được việc này chính là cách doanh nghiệp đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo doanh số theo sản phẩm, đảm bảo sự hài lòng cho đội ngũ nhân viên và xây dựng một đội ngũ kế thừa có năng lực thông qua đào tạo nhân viên và hướng dẫn trực tiếp. Lãnh đạo doanh nghiệp biết rõ về việc này nhưng họ luôn sẵn sàng để nhân viên bỏ việc. Tại sao lại như vậy?
1 – Không nên thay đổi sự kỳ vọng vào một nhân viên
Một nhân viên có năng lực luôn nhận thức rõ sự kỳ vọng mà quản lý đặt ra. Thay đổi điều này chính là đặt nhân viên đó vào trạng thái không chắc chắn và tạo ra áp lực công việc không đáng có.
Tệ hơn nữa nó sẽ khiến nhân viên nghĩ rằng họ thất bại và tương lai không được đảm bảo. Không nên hiểu lầm rằng cách này sẽ ủng hộ chuyện tự thỏa mãn trong công việc. Thay vào đó người quản lý hãy nghĩ theo hướng là một mô tả công việc với phân công trách nhiệm rõ ràng và một quy trình chặt chẽ sẽ giúp nhân viên hiểu rõ hơn điều mà cấp quản lý mong đợi từ họ.
2 – Nhân viên bỏ việc vì sếp nhiều hơn là vì công ty hay việc đang làm
Năng lực quản lý là yếu tố sống còn trong nghệ thuật giữ chân nhân viên giỏi. Nhân viên bỏ việc vì sếp “kém” nhiều hơn là vì công ty hay việc đang làm. Người quản lý chỉ tốt bụng và thân thiện là không đủ. Một nhân viên có năng lực sẽ mong đợi ở sếp nhiều hơn. Bất cứ điều gì mà người quản lý làm khiến nhân viên cảm giác bị đánh giá thấp đều chuyển thành tỉ lệ bỏ việc cao trong doanh nghiệp.
Vậy người nhân viên thường thấy sếp “kém” ở điểm nào?
- Thiếu rõ ràng về sự mong đợi trong công việc.
- Thiếu minh bạch về mức lương.
- Chưa đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng.
- Không dẫn dắt được các cuộc họp cố định.
- Không cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để nhân viên hoàn thành tốt công việc
3 – Nhân viên cần được tự do nêu lên quan điểm
Đó là một yếu tố quan trọng nữa trong việc giữ chân nhân viên giỏi trong doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp đã tạo ra một môi trường mà nhân viên thoải mái trao đổi và chia sẻ? Điều đó sẽ giúp nhân viên mạnh dạn đưa ra ý tưởng, tranh luận, phê bình. Kết quả cuối cùng là sự cải tiến, phát triển không ngừng trong doanh nghiệp. Nếu không làm được, nhân viên sẽ im lặng, ngay cả khi gặp khó khăn, cho đến khi bỏ việc.
4 – Hãy tạo điều kiện để nhân viên được thể hiện tài năng và kinh nghiệm tại nơi làm việc
Một nhân viên có năng lực luôn mong muốn được đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn cho đồng nghiệp. Đó là cách để giúp họ thấy gắn kết và là một cách giữ chân nhân viên của doanh nghiệp. Để làm như vậy, quản lý phải biết được khả năng, kinh nghiệm mà nhân viên mình có được.
Nếu lãnh đạo từ chối đề nghị hỗ trợ hoặc không cho phép những nhân viên này tham gia các dự án, đó sẽ là lý do mà anh ta bỏ việc. Việc từ chối đó sẽ đẩy nhanh quá trình tìm việc mới của những nhân viên này.
5 – Hãy đảm bảo sự công tâm và công bằng trong công việc
Khi quản lý giao cho một nhân viên kinh doanh mới những khách hàng có tiềm năng thành công cao, những nhân viên kinh doanh hiện tại sẽ xem đó là quyết định thiên vị. Và một cơ số những nhân viên này sẽ tìm cơ hội mới tại một công ty khác. Hãy nhớ rằng bất kỳ quyết định nào về sự thử thách, thu nhập đều ảnh hưởng nhiều đến việc giữ chân nhân viên của doanh nghiệp.
6 – Công cụ, thời gian và sự hướng dẫn giúp giữ chân nhân viên hiệu quả
Đó là 3 vấn đề rất dễ nhận thấy khi nói về sự thất bại trong nỗ lực giữ chân nhân viên của doanh nghiệp. Bất cứ nhân viên nào cũng cần được hỗ trợ đầy đủ để hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Nếu họ không tìm thấy điều đó tại công ty này thì họ sẽ tìm một công ty khác đảm bảo được điều đó.
7- Nhân viên có năng lực mà doanh nghiệp muốn giữ chân luôn tìm kiếm nhưng cơ hội học tập để phát triển sự nghiệp
Nếu không có được những cơ hội để phát triển, đón nhận những thử thách mới hay tham gia các chương trình đào tạo nội bộ, hiệu suất của những nhân viên này sẽ giảm đi đáng kể.
Một nhân viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng phải được trải nghiệm những cơ hội để phát triển trong doanh nghiệp.
8 – Hãy quan tâm nhân viên nhiều hơn
Là một phần của nghệ thuật giữ chân nhân viên giỏi và nhiệt huyết. Người quản lý hãy dành thời gian để gặp và trao đổi với nhân viên mới. Tìm hiểu và lắng nghe những chia sẻ, biết được năng lực và khả năng của họ. Hãy lên lịch gặp gỡ định kỳ với tất cả nhân viên. Điều đó sẽ giúp người quản lý luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên. Nó cũng giúp giữ chân nhân viên bằng chính cảm nhận được quan tâm và lòng trung thành với công ty.
9 – Không nên để nhân viên lo lắng về công việc hay thu nhập
Dù trong bất kỳ tình huống nào, ngay cả khi việc kinh doanh không được như kế hoạch. Dù doanh nghiệp có giải thích như thế nào, những thông tin này sẽ khiến nhân viên lo lắng, dao động.
Đó cũng là sai lầm nếu doanh nghiệp muốn giữ chân nhân viên. Bởi vì cả những nhân viên giỏi và trung thành nhất đều sẽ cập nhật CV trong tình huống này.
10 – Ghi nhận và tưởng thưởng nhân viên kịp thời
Đây luôn là “tuyệt chiêu” của nghệ thuật giữ chân nhân viên giỏi. Đi kèm với những email cảm ơn là những khoản thưởng tương xứng và kịp thời. Điều đó càng làm cho sự ghi nhận thêm ý nghĩa.
Nâng lương dựa trên những thành tích đạt được là điều rất dễ hiểu. Người quản lý hãy nhớ rằng công việc là để kiếm thu nhập, và hầu hết nhân viên đều muốn thu nhập của mình được gia tăng.
Hãy nhìn lại, doanh nghiệp của bạn đã cố gắng hết sức để giữ chân nhân viên tài năng? Hãy thử 10 cách trên để đạt được kết quả mong muốn. Doanh nghiệp không chỉ giữ chân nhân viên mà còn thu hút nhân tài trong tương lai.
Nguồn: thebalance.com